Cây trồng trong nhà tuy không đa dạng như ngoài trời nhưng cũng có khá nhiều loại chúng ta có thể chọn cho căn nhà ở một vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa như thế này.
Những loại cây mình nêu ra sau đây thường rất phổ biến, dễ trồng, dễ chăm sóc, có tác dụng thanh lọc và cải thiện không khí rất tốt cho ngôi nhà và bạn cũng dễ dàng tìm mua trên thị trường tại các shop chuyên cây, hoa trong nhà
1. Lưỡi hổ
Tên khoa học: Sansevieria Trifasciata, thuộc họ Măng tây và có nguồn gốc ở Nigeria (Châu Phi).
- Cây mọc thẳng đứng thành bụi, có thể cao đến 1,6m
- Lá lưỡi hổ cứng, nhọn ở đầu, thân lá mọng nước, bề mặt bóng, chủ yếu là màu xanh có pha một vài đốm trắng, 2 bên lá có viền màu vàng chạy dọc từ gốc tới ngọn.
- Lưỡi hổ có hoa, hoa gồm 6 cánh mềm, thuôn dài, màu trắng nhạt.
Lưỡi hổ lại là một chuyên gia thanh lọc không khí với khả năng xử lý các chất độc gây hại cho cơ thể con người như formaldehyde (một chất gây ung thư trong các sản phẩm vệ sinh, giấy toilet, khăn giấy hay các sản phẩm chăm sóc cá nhân), xylene, toluene và nitrogen oxit.
SBS (Sick Building Syndrome) – triệu chứng thường thấy ở các toà nhà cao tầng (không phải hiệu ứng nhà kính) được mô tả là gây kích thích tai, mũi, cổ họng, làm ho, ngứa, đôi khi gây chóng mặt, mất tập trung, mệt mỏi, tệ hơn nữa là gây thắt ngực, mỏi cơ nhưng biến mất sau khi rời khỏi đó. Nên việc đặt cây lưỡi hổ ở những khu vực này cũng giảm bớt tác động của các nhân tố gây ra triệu chứng này.
Bạn lo lắng về một chậu cây để trong nhà ban đêm sẽ tạo ra nhiều khí CO2 làm ảnh hưởng đến bạn. Đừng lo, đa số các loài cây quang hợp thải Oxy vào ban ngày nhưng lại hấp thụ Oxy và nhả CO2 và ban đêm nên việc đặt trong phòng thì cực kỳ nguy hại, nhất là trong những phòng ngủ không có sự lưu thông không khí.
Nhưng với lưỡi hổ thì quá trình này có chút khác biệt, đêm về lưỡi hổ vẫn tiếp tục hấp thụ CO2 và nhả Oxy ra ngoài.
2. Kim tiền / Kim phát tài
Tên khoa học là Zamioculcas zamifolia.
Chính cái tên đã mang đến cảm giác có nhiều tài lộc
Một cây thường có tuổi thọ từ 2 -3 năm, tuy nhiên trong khoảng thời gian đó nếu được chăm sóc tốt thì cây sinh trưởng và phát triển ra rất nhiều cách nhánh, cây con. Chính vì đặc điểm phát triển mạnh và cây nhìn rất màu mỡ, nên người ta tin rằng những ai sở hữu loại cây này sẽ có được sự thịnh vượng, may mắn và tiền tài.
Đặc tính là thích ánh sáng tốt, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp, có thể phát triển bình thường trong điều kiện bóng râm. Không nên đặt cây dưới ánh nắng trực tiếp và nên có lưới che để tránh nước mưa vào sẽ gây hiện tượng cây bị thối và vàng lá, thậm chí gây chết cây.
Đây là loài cây chịu được nhiệt độ tương đối cao. Nhiệt độ tối ưu là nhiệt độ phòng từ 25-27oC. Nếu nhiệt độ dưới 18oC cây sẽ có hiện tượng rụng lá và rơi vào trạng thái ngủ đông. Nếu nhiệt độ dưới 5oC, kim phát tài sẽ chết. Cây phát triễn tốt ở độ ẩm thấp lẫn độ ẩm cao.
3. Kim ngân
Tên khoa học là Pachira aquatica, xuất xứ từ Mexico, Brazill Nam Mỹ và đầm lầy Trung Mỹ
Cây kim ngân nguyên bản không phải nhỏ như chúng ta vẫn thường thấy vậy đâu.
Xuất xứ từ vùng Mexico, Trung hoặc Nam mỹ. cây to tận 6m và có trái lớn.
Lợi ích: về mặt tinh thần, vì tên là kim ngân nên bạn sẽ thích mang nó về nhà với một chậu cây có cái tên đẹp, còn nếu đem tặng cho người khác, vừa nhỏ nhắn xinh xinh lại vừa mang một ý nghĩa tốt với người được tặng. Hình dáng cây này cũng khá sang nên rất được chuộng trong nội thất, đặc biệt là phòng khách
Thực tế thì cây này có khả năng đuổi muỗi khá tốt, lại chịu nóng tốt, không tốn công chăm sóc, để một chậu ở bàn làm việc cũng là một ý tưởng hay.
Có thể trồng trong một chậu thủy tinh có nước, để vài viên sỏi trông sẽ đặc sắc hơn đấy.
4. Thiết mộc lan
Tên thường gọi: Thiết mộc lan, Phất dụ thơm.
Tên khoa học Dracaena Fragrans, có có nguồn gốc từ bản địa của Tây Phi.
Cây thiết mộc lan có lá mọc xanh quanh phần thân, lá dài và gần giống như lá cây ngô, có sức sống mãnh liệt, chỉ cần một cảnh nhỏ đâm xuống đất cũng có thể phát triển thành một cây lớn khỏe mạnh.
Cây có thể trồng ở ngoài trời, trong chậu, thậm chí là ở trong môi trường nước…
Thiết mộc lan là cây có tác dụng thanh lọc không khí rất tốt, giúp lọc bỏ những độc tố gây ô nhiễm không khí, đem đến cho chủ nhân cảm giác thoải mái, dễ chịu, tinh thần lạc quan.
Hút các chất benzene, toluene, formallhelyde rất tốt cho sức khỏe của thành viên sống trong căn phòng.
Là cây thân gỗ khỏe, ưa bóng râm nên thích hợp trồng cây nội thất, cây cảnh văn phòng, thường trưng trong phòng sếp, phòng họp, hành lang, đại sảnh lớn… ở các văn phòng, cao ốc, khách sạn, nhà hàng… Những cây nhỏ, gốc đẹp để trồng vào chậu xinh xắn hoặc bình thủy tinh đẹp làm cây để bàn văn phòng, bàn ăn, phòng khách…
5. Lan ý
Tên tiếng Anh là Peace Lily, White Sails plant, Spathe flower
Tên khoa học: Spathiphyllum Wallisii, thuộc họ Araceae (Ráy)
Đây là loài cây sinh trưởng khá mạnh mẽ và đa dạng môi trường, kể cả đất nước, ngoài trời hay trong nhà đều được. Đặc biệt hoa của nó nở khá lâu đến 3-4 tháng.
Cây này lọc không khi khá tốt nên hay trồng trong bệnh viện. Nó có thể lọc bớt sóng điện từ phát ra từ wifi, máy tính hay tia hồng ngoại, tử ngoại. Vì có lá sẫm màu, nên nếu trồng trong chậu, nên chọn chậu sáng như trắng hay thủy tinh chứa nước.
6. Cỏ lan chi
Tên gọi khác: Cây Dây Nhện, cỏ Mẫu Tử, Cây Lục Thảo Trổ, Thảo Lan Chi
Tên khoa học là: Chlorophytum comosum
Cây này có thể trồng trong chậu đặt ở bàn hay chậu treo, mà treo thì đẹp hơn.
Nếu treo vài chậu sẽ đẹp nhưng treo nhiều quá sẽ rối mắt và chán. Tuy có hình dáng lá và màu sắc đẹp tươi sáng nhưng nếu không đầy đủ chất cây sẽ rất nhanh xấu và tỏa ra không đều.
Theo đánh giá của mình thì cây này không phải loại dễ hay khó tính quá, có thể chịu hạn tốt nên chỉ tưới 1 đến 2 lần 1 tuần.
Cây thích nắng bán phần nên để gần cửa sổ, tốt nhất là cửa đón nắng sáng, không nên để nắng quá gắt chiếu trực tiếp, cây sẽ bị cháy lá.
Cỏ lan chi được xem là mang lại may mắn, cảm giác thư giãn thoải mái.
Nó có khả năng hấp thu được các chất Cacbonic và mọi khí độc vào ban đêm, cho nên rất thích hợp để đặt trong phòng ngủ. Chỉ một cây Cỏ Lan Chi, trong khoảng 24 giờ có thể hấp thu 80% Formaldehyde và 95% khí CO2, Benzen, Phenyl ethylene do máy in, máy Photocopy thải ra. Bên cạnh đó còn có khả năng hấp thu chất Nicotine trong khói thuốc lá và tia bức xạ máy tính.
7. Cây cọ cảnh
Tên khoa học là Livistona rotundifolia, thuộc họ thực vật Arecaceae (họ Cau).
Lá cọ to bản rộng, xòe tròn. Lá có độ cứng và chắc, có thể bẻ ra để làm quạt rất hữu ích trong những ngày nóng. Lá mọc tập nhung ở đỉnh, cuống lá dày, dài và có gai ở mép. Lá cây có màu xanh bóng, chia nhiều thùy sâu, các thùy mềm cong rũ xuống.
Hoa của cây cọ ta mọc ở nách lá, dạng chùm cong và nhiều chùm. Quả hình cầu nhỏ khi còn non có màu xanh và chuyển thành màu tím đen với ruột cứng khi chín.
Loại lớn thì bạn trồng trong các chậu lớn dùng để trang trí hành lang, phòng khách.
Còn chậu nhỏ hơn có thể để bàn làm việc với một cái chậy sứ nhỏ.
8. Trầu bà
Tên tiếng Anh là Pothos (Epipremnum Aureum)
Trầu bà có rất nhiều loại, mỗi chuyện cái lá thôi là đã ra một đống loại rồi. Từ lá vàng, lá vân xanh trắng, lá xanh, lá bầu dục, lá dài…. Rất nhiều loại không phải ai cũng biết.
Bài này chỉ giới thiệu bạn loại cây thích hợp trồng trong nhà chứ không nói về cây trầu bà nên mình chỉ nhắc đến vài loại.
Bạn có thể chọn trầu bà thái hay trầu bà cẩm thạch, trầu bà trắng cũng khá đẹp nhưng nếu chọn trầu bà trắng thì nên phối màu nội thất là màu tối.
Đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, hay được trồng trong nước, chậu treo, có khả năng hút khí độc tốt, mang lại không khí trong lành nên rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, theo đánh giá cá nhân mình thì vì nó quá phổ biến, giá thành thấp nên không phải sự lựa chọn cho những căn phòng sang trọng.
9. Hồng môn
Tên gọi khác như: Môn Hồng, Vĩ Hoa Tròn, Buồm Đỏ…
Tên khoa học: Anthurium Andraeanum
Hoa có nhiều màu đỏ, hồng, vàng. Tuy là cây nhỏ nhắn nhưng sống lâu năm, hoa ra liên tục. Chăm sóc cũng dễ, 2 – 3 lần/ tuần, nhiệt độ vừa phải chứ nếu cao hơn 30 độ, cây sẽ bị vàng lá hoặc chết.
Một ý nghĩa đặc biệt về loài cây này là tượng trưng cho tình yêu và lòng hiếu khách. Chính vì vậy mà bạn có thể chọn để tặng bạn bè, người thân yêu, còn giúp giảm stress, tăng hứng khởi, kích thích khả sáng tạo. Hoa màu đỏ, lá xanh giúp cho hồng môn thêm nỗi bật trong không gian.
Đây là một loại cây có khẳ năng hấp thụ những khí độc hại trong không khí như xylen, benzen, formandehit,… Những chất gây nên các bệnh về đường hô hấp thậm chí dẫn đến bệnh ung thư.
Cuối cùng là hãy chọn cho mình loại cây phù hợp với thiết kế nội thất, với sở thích. À! Về hợp tuổi và phong thủy thì sẽ có bài viết khác sẽ nói kỹ hơn về mỗi loại cây hợp mệnh gì và ý nghĩa phong thủy của nó nên cũng đón theo dõi nhé.
Xem thêm: Những điều cần lưu ý khi chọn cây trồng trong nhà
Xem thêm: Các phong cách thiết kế nội thất phổ biến đối với nhà ở
Xem thêm: Kinh Nghiệm Nhận Bàn Giao Căn Hộ Chung Cư từ Chủ Đầu Tư