Giải đáp những câu hỏi thường gặp khi xây nhà
Khi có dự định xây nhà bạn sẽ xuất hiện nhiều thắc mắc xoay quanh thi công, chi phí, nhà thầu, … Biết được sự trăn trở đó, kienthucxaynha.com đã tổng hợp lại một số câu hỏi phổ biến và giải đáp cho bạn những thắc mắc đó.
1. Nhà xây trong bao lâu?
Đối với loại câu hỏi này thì sẽ không có câu trả lời chính xác được vì tiến độ thi công sẽ phụ thuộc vào quy mô, điều kiện thi công, hình thức công trình, … và phải đảm bảo về chất lượng công trình. Tuy nhiên bạn có thể tạm tính đối với nhà phố thì thi công 1 tầng sẽ tốn khoảng 1 tháng là đảm bảo chất lượng. Nếu bạn muốn đẩy tiến độ thì có thể có những giải pháp như tăng ca, sử dụng phụ gia đông kết nhanh, khoán khối lượng cho nhà thầu, … Nhưng đồng thời chi phí cũng sẽ tăng theo.
2. Chủ đầu tư tự giám sát hay thuê giám sát xây dựng?
Nếu bạn tự giám sát thì bạn nên có kiến thức về thi công xây dựng hoặc bạn có thể tìm đọc trong trang kienthucxaynha.com. Tuy nhiên Kienthucxaynha.com vẫn khuyên bạn nên thuê một đơn vị giám sát bởi vì nếu bạn không chắn chắn về kiến thức và kinh nghiệm thi công của mình thì rất dễ bị thợ qua mặt, giám sát sẽ có kiến thức chuyên môn để xử lý các kỹ thuật phát sinh tại công trình, …
Bạn cũng nên lưu ý là nếu giám sát của bạn thuê có những đòi hỏi không phù hợp thì cũng dễ gây mất hợp tác với đơn vị thi công.
3. Vì sao cùng một loại thiết kế, cùng một bản vẽ thi công xây dựng những mỗi đơn vị lại báo mỗi giá khác nhau?
Về cơ bản, mỗi đơn vị sẽ có bảng giá khác nhau để phù hợp với doanh nghiệp của mình. Thông thường giá sẽ được dựa vào các tiêu chí như:
- Cách tính diện tích.
- Đơn giá thi công.
- Vật tư sử dụng.
- Hạng mục thi công.
- Cách tổ chức thi công …
Vì vậy, đơn giá khác nhau là do: thương hiệu, chất lượng vật tư, trình độ tây nghề, biện pháp thi công.
4. Vì sao một vài đơn giá làm nhà to thì lại rẻ hơn làm nhà nhỏ?
Giá trị của hợp đồng = đơn giá x diện tích sử dụng.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công có những đơn giá không được tính bằng m2 như vận chuyển xà bần (tính bằng lượt xe), bảo vệ công trình (tính bằng nhân công theo ngày), quản lý – giám sát (tính bằng nhân công theo ngày), … Chính vì thế sẽ có sự chênh lệch về giá như vậy.
5. Bảo hiểm công trình xây dựng có bắt buộc phải mua không?
Việc mua bảo hiểm công trình xây dựng được quy định tại thông tư 329/2016/TT-BTC được ban hành ngày 26/12/2016. Quy định các loại hình bảo hiểm phải mua trong hoạt động xây dựng và quy định rõ ai sẽ là người mua bảo hiểm.
Theo thông tư số 329, chủ đầu tư phải mua bảo hiểm công trình nếu phí bảo hiểm công trình đã được tính vào giá hợp đồng cho các công trình sau:
- Công trình ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng.
- Công trình đầu tư xây dựng có ảnh hưởng lớn đến môi trường thuộc diện phải đánh giá tác động môi trường.
- Công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công phức tạp.
Vậy nên nếu công trinh quy mô không quá lớn, nhà ở dân dụng, nhà xung quanh không quá phức tạp, trừ khi địa phương bắt buộc mua thì cũng không cần thiết mua bảo hiểm xây dựng.
6. Tất cả hạng mục đều đổ bê tông tươi (bê thông thành phẩm) có chất lượng hơn bê tông trộn tay tại công trình?
Công tác đổ bê tông tươi khi điều kiện mặt bằng và điều kiện thi công cho phép. Tuy nhiên công trình không phải hạng mục nào cũng đổ bê tông, ví dụ như cột, lanh tô, … khối lượng bê tông ít và việc thi công không liên tục nếu đổ bê tông tươi sẽ không đảm bảo khối lượng tối thiểu, thay vào đó chúng ta sẽ sử dụng bê tông trộn bằng máy trộn quả lê tại công trường.
Bê tông từ máy trộn quả lê được trộn theo tỷ lệ được quy định rõ ràng theo tiêu chuẩn Việt Nam nên chất lượng vẫn được đảm bảo.
7. Vì sao đóng trần thạch cao thì không cần tô trần?
Khi đóng trần thạch cao thì không cần tô trần vì không cần thiết vì lớp vữa tô trần nếu có chỉ để trang trí bề mặt. Trường hợp đã đóng trần thạch cao thì không cần lớp vữa này nữa. Việc không tô trần trong trường hợp này không ảnh hưởng gì đến độ bền vững của công trình cả.
8. Vì sao thi công nhà trong hẻm lại đắt hơn nhà mặt tiền?
Khi thi công nhà trong hẻm sẽ có những trường hợp xe chở vật tư không thể tiếp cận công trình, lúc này buộc sẽ trung chuyển bằng những xe nhỏ hơn như xe ba gác. Ngoài ra khi trung chuyển sẽ có độ hao hụt vật liệu.
9. Sự khác nhau giữa móng băng, móng cọc, cừ tràm?
Tùy theo địa chất công trình mà sẽ sử dụng từng loại móng, cọc cho phù hợp. Nên tham khảo công trình lân cận hoặc tư vấn từ đơn vị thi công ép cọc để lựa chọn cho phù hợp với nền đất công trình của mình.
Nếu nền đất bùn, có ngập nước, độ sâu ép từ 4-6m thì sử dụng cừ tràm.
Nếu công trình nằm trong các quận trung tâm có nền đất tốt thì sử dụng móng băng.
Nếu đất tại nơi xây dựng yếu, có thể bị sụt lún thì sử dụng móng cọc.
10. Khi nào cần đổ bê tông trệt?
Nếu nền đất tốt thì chỉ cần lăm le đá 4×6, đất san lấp lèn đủ độ K là đạt yêu cầu.
Nếu nền đất yếu, bên dưới là lớp bùn dày thì cần phải đổ bê tông trệt để tránh việc bị sụt lút nền, ảnh hưởng đến công trình. Việc đổ bê tông nền trệt cũng góp phần vào độ bền vũng của hệ khung chịu lực nhà.
11. Vì sao phải di dời đồng hồ nước, đồng hồ điện khi thi công?
Vì khi thi công không thể tránh khỏi sự cố ảnh hưởng đến đồng hồ điện, nước. Chính vì thế bắt buộc phải dời đồng hồ điện, đồng hồ nước để đảm bảo an toàn. Việc di dời có liên quan đến pháp lý nên chỉ có chủ đầu tư mới thực hiện được.
12. Chưa có giấy phép xây dựng có được làm trước phần móng không?
Theo pháp luật thì hoàn toàn không được nhưng trong thực tế thì một số nơi vẫn được thi công phần móng trước. Khi chưa có giấy phép xây dựng thì bạn vẫn được thực hiện các phần như tháo dở xác nhà.
13. Có cần gia cố nhà xung quanh khi thi công xây dựng không?
Nếu thuộc khu vực nền đất yếu nên khảo sát địa chất và gia cố cho nhà hàng xóm trước khi ép cọc, đào móng để tránh gây sụt lún đối với nhà xung quanh.
14. Vì sao phải đóng trước một phần giá trị hợp đồng?
Phần trăm chi phí ứng trước đó sẽ tùy thuộc vào từng đơn vị xây dựng sẽ có con số khác nhau. Chi phí đóng trước này đóng vai trò như cam kết hợp tác và thực hiện giữa chủ đầu tư và đơn vị xây dựng. Ngoài ra để đảm bảo không bị tăng giá vật tư thì khoảng chi phí đó dùng để tạm ứng với cửa hàng vật tư.
15. Số lượng nhân công trong mỗi giai đoạn thi công được bố trí như thế nào?
Tùy thuộc vào điều kiện thi công, quy mô công trình và mỗi giai đoạn sẽ có số lượng nhân công khác nhau. Bạn không nên quá quan tâm đến số lượng nhân công và chỉ nên quan tâm đến tiến độ thi công của công trình.
16. Chủ đầu tư có nên cho thêm tiền bồi dưỡng cho thợ?
Không khuyến khích cho thêm tiền bồi dưỡng vì bên nhà thầu đã có chính sách thưởng phạt đối với thợ. Tuy niên nếu bạn muốn thưởng thêm thì nên thưởng cho cả nhóm, không nên thưởng riêng cá nhân.
Nếu bạn có thêm câu hỏi có thể gửi cho kienthucxaynha.com tại mục “Theo dõi”. Kienthucxaynha.com sẽ tổng hợp và giải đáp những thắc mắc cho bạn.
Xem thêm: Nên xây nhà vào thời gian nào trong năm
Xem thêm: Thế nào là một nhà thầu uy tín?
Xem thêm; Kinh Nghiệm Nhận Bàn Giao Căn Hộ Chung Cư từ Chủ Đầu Tư