Những thông tin quan trọng trong một hợp đồng xây dựng nhà ở
Khi xây dựng một công trình thì không thể thiếu một hợp đồng làm việc giữa bên thi công và chủ nhà, hợp đồng xây dựng sẽ mang vai trò đại diện pháp lý cho cả hai bên. Dưới đây là danh sách những thông tin cơ bản nhưng quan trọng mà bạn nên nắm rõ để công việc xây dựng có thể diễn ra rõ ràng và suông sẻ hơn.
Trong bài viết này, gọi tắt hai bên như sau:
- Chủ đầu tư = bên A
- Nhà thầu xây dựng = bên B
Nhóm thông tin 1: Liên quan đến công trình xây dựng
- Vật tư và hạng mục thi công: Mục này ghi rõ những hạng mục nào do bên B thi công, xây dựng, Hạng mục nào do tự bên A làm và sẽ không nằm trong phạm vi của bản hợp đồng này.
- Tiến độ công trình: Mục này sẽ có những cột mốc thời gian hoàn thành theo từng giai đoạn, những trường hợp nào được dời tiến độ, quy định về đền bù nếu trễ tiến độ, …
- Yêu cầu về chất lượng: Các yêu cầu cụ thể về chất lượng hoàn thiện của từng hạng mục mà bên A sẽ dựa vào đó để nghiệm thu.
Nhóm thông tin 2: Chi phí và thanh toán
- Tổng giá trị của hợp đồng: Giá trị của gói hợp đồng này và bên A nên kiểm tra con số tổng đã có bao gồm thuế hay chưa, bên nào sẽ thanh toán phần thuế.
- Thời điểm thanh toán: Mục này sẽ có các cột mốc thời gian yêu cầu thanh toán. thường sẽ được chia theo giai đoạn.
Ví dụ: Ngay sau khi kí hợp đồng thì bên A sẽ phải thanh toán trước cho bên B một phần giá trị hợp đồng (số phần trăm thanh toán tùy thuộc vào bên B quy định) .
Sau mỗi giai đoạn, bên A tiếp tục thanh toán cho bên B một phần giá trị hợp đồng (số phần trăm thanh toán tùy thuộc vào bên B quy định).
Bên A thanh toán phần còn lại sau khi hoàn thiện công trình và bàn giao.
Bên A thường sẽ giữ lại 1% – 2% giá trị của hợp đồng cho đến hết thời gian bảo hành.
- Hình thức thanh toán: Thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản, khi thanh toán có biên bản xác nhận.
Nhóm thông tin 3: Quyền lợi và nghĩa vụ
- Quyền lợi của chủ nhà: Mục này bao gồm những điều khoản bảo vệ lợi ích của bên A, bên B hoàn toàn không được can thiệp vào các quyền này.
Ví dụ: Trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực, bên A có quyền kiểm tra chất lượng, tiến độ của công trình.
Nghĩa vụ của chủ nhà: Bao gồm các điều khoản mà bên A phải thực hiện khi hợp đồng còn thời hạn để cho công trình chạy đúng tiến độ.
Ví dụ: Bên A có nghĩa vụ phải thông báo cho bên B biết người tham gia quản lý, giám sát và thực hiện hợp đồng này.
- Nghĩa vụ của nhà thầu: Những điều khoản mà bên B bắt buộc phải thực hiện, cần phải lưu ý để tránh sai sót nhỏ.
Ví dụ: Bên B phải xây dựng theo đúng bản vẽ thiết kế mà bên A bàn giao, thực hiện đúng bảng vật tư đã thỏa thuận trong hợp đồng.
Nhóm thông tin 4: Chính sách bảo hành
- Thời gian bảo hành: Thời gian bảo hành cho công trình sau khi hoàn thành. Sẽ tùy từng hạng mục mà sẽ có thời gian cụ thể riêng biệt.
Ví dụ: Hạng mục kết cấu chính như móng, cột, dầm, sàn thì thường được bảo hành 5 năm. Tường, điện, nước được bảo hành 1 năm, …
- Công tác bảo hành: Trong hợp đồng hoặc phụ lục sẽ ghi rõ từng hạng mục khi bảo hành sẽ được sửa chữa hoặc thay thế.
- Từ chối bảo hành: Mục này sẽ ghi cụ thể những quy định, nếu bên A vi phạm những quy định này thì bên B hoàn toàn có thể từ chối bảo hành. Bên A nên lưu ý mục này để tránh tranh chấp sau này.
Nhóm thông tin 5: Hiệu lực hợp đồng
- Điều kiện hiệu lực: Mục này bao gồm những điều khoản để hợp đồng có hiệu lực, nếu một trong 2 bên vi phạm những điều khoản này thì bên còn lại có quyền cắt đứt hợp đồng không bồi thường.
- Thời gian hiệu lực: Bao gồm thời gian hợp đồng có hiệu lực và thời gian thi công xây dựng công trình. Nếu có trì hoãn tiến độ cần lưu ý mục này để điều chỉnh lại thời gian bắt đầu và kết thúc của hợp đồng.
- Các bộ luật áp dụng: Mục này sẽ liệt kê ra tất cả luật hiện hành tại Việt Nam mà có liên quan đến hợp đồng để làm cơ sở pháp lý lập hợp đồng này. Cả 2 bên nên tra cứu kỹ các luật liên quan này để tránh mâu thuẩn sau này.
Hi vọng những thông tin cơ bản này giúp ích được cho bạn khi làm việc với bên thi công, tránh những thông tin mập mờ, nhập nhằng gây khó khăn cho cả hai bên. Nếu bạn có thắc mắc có thể liên hệ với kienthucxaynha.com tại mục “Theo dõi”.
Kienthucxaynha.com chúc công việc xây dựng của bạn diễn ra tốt đẹp.
Xem thêm: Quy trình làm việc giữa chủ nhà và đơn vị thiết kế để ra hồ sơ thiết kế
Xem thêm: Thế nào là một nhà thầu uy tín?